Những điều cần làm trước khi mang máy tính đi sửa

6 min read
Những điều cần làm trước khi mang máy tính đi sửa
Photo by Julia Joppien / Unsplash

Mấy ngày qua, mạng xã hội và báo chí đăng tải bài viết về việc nhân viên sửa máy tính lục lọi dữ liệu cá nhân của khách hàng. Là một người từng có kinh nghiệm gần 5 năm đi sửa máy tính, cài Win "dạo". Mình cảm thấy khá thất vọng nên muốn chia sẻ một số điều cần lưu ý trước khi mang máy tính đi sửa.

Đạo đức nghề nghiệp

Trước khi vào chủ đề chính, mình muốn bàn về vấn đề này trước. Như các bạn biết đạo đức nghề nghiệp là điều mà không thể thiếu khi đi làm. Tùy vào ngành nghề mà có những tiêu chuẩn khác nhau. Cụ thể như: bác sỹ khám bệnh lên cơ thể bệnh nhân hay anh thợ xăm mình đang vẽ nghệ thuật cho một nữ khách hàng. Ngành IT nói chung và cái nghề sửa máy tính nói riêng cũng vậy. Dữ liệu cá nhân của khách hàng là điều tối kỵ.

Photo by JESHOOTS.COM / Unsplash

Trong giai đoạn 2011 đến 2015, mình là sinh viên chuyên đi sửa máy dạo để kiếm tiền. Lúc đó không ai chỉ dạy mình, nhưng mình tự cảm thấy việc soi dữ liệu cá nhân của khách có vẻ không được đúng đắn. Nếu làm mất niềm tin của khách thì sau này họ làm sao gọi mình đến sửa nữa? Chính vì lẽ đó mình mới dám nói lên quan điểm và chia sẻ đến mọi người.

Vì sao họ làm vậy?

10 năm trở lại đây, mạng xã hội đã quá phát triển, những chiêu trò câu like, câu view, tin sốc để câu kéo người xem. Vì lí do đó đã kéo theo không ít người sẵn sàng quên đi cái chuẩn mực cần thiết để phục vụ thị hiếu. Mình không nhớ biết bao lần đã nghe đến việc lộ ảnh, video cá nhân vì giao máy tính, điện thoại cho người khác. Càng nhiều vụ việc như vậy sẽ khiến khách hàng không còn tin vào các dịch vụ. Nó sẽ ảnh hưởng đến những người làm ăn chân chính.

Con sâu làm rầu nồi canh.

Những điều cần làm

Nếu máy tính vẫn đang hoạt động

Trường hợp này, bạn muốn mang máy ra tiệm để nhờ cài phần mềm.

  • Bước 1: Bạn cần thoát tất cả tài khoản như Facebook, Instagram, website...bất cứ thông tin gì trên trình duyệt web. Sau đó nhớ xóa luôn lịch sử trình duyệt.
  • Bước 2: Thoát tất cả tài khoản Zalo, Skype, Viber, Telegram trên máy tính. Định nghĩa thoát tức là sign-out chứ không phải exit. Vì một số ứng dụng có thể tự khởi động khi chúng ta mở máy.
  • Bước 3: Kiểm tra thư mục Downloads. Đây là thư mục chứa các thông tin bạn tải về và cũng là thư mục "lộn xộn" nhất. Đôi khi là vài ba tấm ảnh, video hay một file sao kê ngân hàng..v..v.. Những thông tin này người khác không có quyền được xem. Bạn nên move nó ra nơi khác (USB, Google Drive chẳng hạn).
  • Bước 4 (tùy chọn): Nếu còn những thư mục "nhạy cảm" khác trên ổ cứng. Bạn nên khóa luôn thư mục hay ổ cứng đó lại bằng cách mã hóa dữ liệu. Mình sẽ viết một bài hướng dẫn cách khóa thư mục gửi đến các bạn.

Lưu ý: Tình huống bạn mang ra để cài lại hệ điều hành hay bất chợt anh kỹ thuật phán bệnh phải cài lại. Lúc này nếu trong máy có dữ liệu "nhạy cảm" hoặc bạn đã mã hóa dữ liệu như phía trên. Bạn nên mang máy về để copy dữ liệu ra và xóa sạch hết rồi hãy mang ra lại.

Nếu máy tính bị hư linh kiện

Trường hợp này có thể là hư bàn phím, màn hình, bo mạch, những nội tạng bên trong máy. Có thể khi mang đi sửa bạn phải để máy lại vài ngày (tùy nơi). Vì vậy việc đầu tiên các bạn yêu cầu là tháo ổ cứng gửi trả cho bạn cầm về. Nghe chắc hẳn mấy anh kỹ thuật sẽ khá là "gai". Nhưng đời mà, Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều.

Thực tế sửa mấy cái khác đâu có liên quan gì đến ổ cứng. Nếu được yêu cầu để ổ cứng lại để tiện kiểm tra thì bạn nên biết không có ổ cứng thì mấy thành phần khác nó vẫn chạy. Mà đối với một nơi sửa máy tính thì thiếu gì ổ cứng khác gắn vào test.

14TB
Một ổ cứng của hãng Seagate

Trong trường hợp các bạn được thông báo là hư ổ cứng và được đề nghị thay ổ khác. Lúc này nếu bạn đồng ý thì phải nhớ rằng thay cái ổ cũ bạn phải cầm về nhé. Ổ cứng khi hư cũng có mấy level lận, một số level nhẹ có thể khôi phục dữ liệu lại đấy.

"Em ơi ổ cứng hư rồi, thay ổ mới rồi bên anh hỗ trợ chép dữ liệu sang nha"

Mà khoan, đã hư rồi thì sao chép dữ liệu được? Gặp tình huống này có thể bạn bị "thuốc" hoặc ổ cứng bạn xài vài năm rồi nó ngáp ngáp rồi (chập chờn). Cách giải quyết là bạn nhờ họ cài hệ điều hành và phần mềm cần thiết lên ổ mới (nếu bạn chọn mua ổ khác thay). Còn dữ liệu thì thôi cảm ơn anh, em về tự chép được. Sau đó mang về nhờ ai bạn tin tưởng rồi nhờ họ giúp. Đó là cách dành cho các bạn có nhiều dữ liệu "nhạy cảm". Muốn bảo mật thông tin thì phải chịu khó một chút. Vì nếu dữ liệu quá lớn chép qua cũng vài tiếng là ít, hoặc có khi hẹn lại sang ngày. Lúc đó thì mấy anh cũng tranh thủ chép thêm 1 bản cho mình về để lục lọi tìm tư liệu quý giá.

Lưu ý cuối cùng

Khi mang máy ra tiệm cần phải có giấy tờ xác nhận, hai bên ký các bạn nha. Bạn mình đã từng gặp một trường hợp mang Macbook đi sửa, trong biên nhận chỉ có máy mà quên mất là họ giữ sạc (adapter). Thế là sau khi trả máy đòi thêm cục sạc thì họ chối bay.

Luôn kiểm tra kỹ các phụ kiện đi kèm trước khi giao và nhận lại máy.

Lời kết

Dữ liệu của bạn được chứa trong ổ cứng. Vì vậy đây là một linh kiện rất quan trọng mà bạn nên lưu ý. Tất nhiên các công ty, dịch vụ sửa máy tính uy tín luôn cố gắng đảm bảo minh bạch và tôn trọng dữ liệu riêng tư của khách hàng. Thế nhưng vấn đề hầu hết xảy ra ở một hoặc một số nhân viên "biến chất". Do đó một lần nữa các bạn phải hết sức cẩn thận để tránh gặp phải những rắc rối đáng tiếc.

Hy vọng bài viết sẽ giúp thêm nhiều bạn hiểu được phương thức bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình.